Đau thượng vị và kèm ợ hơi, ợ chua, buồn nôn thường có nguyên nhân là bệnh lý dạ dày, tá tràng gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, khiến người bệnh ăn uống kém, mệt mỏi, lo âu. Những thông tin về đau thượng vị dưới đây sẽ cung cấp một vài hiểu biết cần thiết về vấn đề này, giúp định hướng giải quyết khó chịu cho chính mình và người thân.
1. Đau thượng vị là gì?
Vùng thượng vị được định nghĩa là vùng trên rốn. Giới hạn của vùng thượng vị ở trên là phía dưới mũi xương ức ở dưới là vùng quanh rốn và hai bên là hai mạn sườn.
Đau thượng vị là một triệu chứng rất hay gặp ở một số bệnh thông thường trong cuộc sống hằng ngày. Trong đó, người trưởng thành thường bị đau thượng vị hơn trẻ nhỏ, phụ nữ cao hơn nam giới.
Đồng thời, đau thượng vị có khi chỉ là cơn đau đơn thuần nhưng cũng có loại đau thượng vị kết hợp với các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn ói, ợ hơi, ợ chua. Tuy nhiên, không chỉ các triệu chứng trên đường tiêu hóa, đau thượng vị cũng có thể đi kèm với các triệu chứng của tim mạch như khó thở, nặng ngực, phù chân, ho khan. Chính vì thế, nguyên nhân của đau thượng vị rất đa dạng và khó xác định, tùy vào các triệu chứng kèm theo và tiền căn của bệnh nhân mới xác định được nguyên nhân nào là chủ yếu.
2. Những bệnh nào có thể gây đau thượng vị?
Tùy vào đặc tính của cơn đau, vị trí chính xác, diễn tiến, các biểu hiện khác đi kèm và khả năng đáp ứng với thuốc mà có thể phần nào xác định được các bệnh lý gây ra cơn đau thượng vị.
2.1. Đau thượng vị dạ dày
Thường gặp nhất là đau thượng vị dạ dày nói riêng, các bệnh lý tiêu hóa nói chung. Lúc này, đau thượng vị có tính chất liên quan đến bữa ăn, đau sẽ khởi phát và tăng lên khi đói hay sau khi ăn no. Những người đau kiểu này thường có thói quen bỏ bữa, ăn uống không điều độ, chế độ ăn nhiều chất chua, cay cũng như thường xuyên uống rượu bia, thuốc giảm đau hay gặp căng thẳng, lo lắng.
Ngoài cảm giác đau quằn quại tại vùng dưới xương ức, họ có kèm theo ợ hơi, ợ chua, cảm giác buồn nôn, nôn ói hay cồn cào, khó chịu. Cơn đau thượng vị kiểu này trong y học được gọi là viêm dạ dày cấp nếu khởi phát đột ngột, sau đó kéo dài và lặp đi lặp lại thì trở thành viêm loét dạ dày mạn tính.
Khi bệnh nhân đã bị viêm loét dạ dày, và cả vùng tá tràng mạn tính về lâu ngày sẽ dẫn đến biến chứng hẹp môn vị thì cơn đau âm ỉ thường xuất hiện sau ăn, làm người bệnh cảm giác ăn không đói, khó tiêu, từ đó thêm chứng ăn kém, chán ăn. Cơn đau chỉ thuyên giảm nếu bệnh nhân nôn ra được thức ăn cũ hay sẽ kéo dài, gây khó chịu, làm cho người bệnh cáu gắt, bộ mặt lúc nào cũng chán nản, bi quan.
2.2. Thủng dạ dày
Một biến chứng khác của viêm dạ dày là thủng dạ dày thì bệnh nhân đau thượng vị như có dao đâm vào, bụng trở nên cứng chắc được ví như khúc gỗ. Người bệnh phải nằm co chân hay ngồi cúi khom lưng. Nếu thủng vào mạch máu, làm mất đi dịch tuần hoàn hiệu quả, bệnh nhân có thể ngất xỉu do bị choáng và tử vong nếu không phẫu thuật kịp thời.
Nếu cơn đau thượng vị khởi phát đột ngột, bụng chướng, kèm tiêu chảy và buồn nôn nhưng nếu nôn ra hay đại tiện xong mà cảm giác bớt đau thì nghĩ do ngộ độc thực phẩm cấp tính. Nguyên nhân này cũng thường lành tính hơn khi cơ thể tạo được phản ứng đào thải chất độc ra bên ngoài.
Trong trường hợp ngược lại, độc chất, vi trùng không tống xuất ra ngoài được thì sẽ gây nhiễm trùng đường tiêu hóa, người bệnh không chỉ đau lan ra khắp bụng mà còn kèm nóng sốt, tiêu lỏng lẫn máu, nhầy nhớt thì bệnh có vẻ đã diễn tiến nặng nề hơn, xâm lấn gây nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng.
2.3. Các bệnh lý của gan - mật
Túi mật hay hệ thống đường dẫn mật cũng có thể gây nên triệu chứng đau thượng vị, bởi vị trí giải phẫu của gan nằm từ vùng hạ sườn phải sang trái, có vắt ngang qua thượng vị. Chính vì thế, bệnh nhân bị tổn thương trong gan, túi mật đều có thể khai triệu chứng đau thượng vị như áp-xe gan, viêm gan, sỏi gan, sỏi túi mật. Nếu hệ thống ống dẫn mật từ trong gan ra đến túi mật có sỏi kẹt hay dị vật làm tắc nghẽn như giun chui ống mật, bệnh nhân sẽ đau quặn thắt từng cơn dữ dội, vã mồ hôi, bệnh nhân phải nằm sấp, chống gối mới bớt đau.
2.4. Viêm tụy cấp
Đau vùng thượng vị cũng có thể gặp trong bệnh của tụy như viêm tụy cấp nếu khởi phát cấp tính kèm nôn ói nặng nề hay đau kéo dài âm ỉ, bệnh nhân biểu hiện hội chứng kém hấp thu, suy dinh dưỡng thì đã có thể chuyển sang viêm tụy mạn tính hay là ung thư đầu tụy. Tạng còn lại trong ổ bụng là đại tràng, đoạn giữa góc gan và góc lách. Những trường hợp viêm đại tràng cấp hoặc mạn tính trên đoạn này cũng có thể gây đau thượng vị kèm theo đầy hơi, chướng bụng, đi ngoài lắt nhắt nhiều lần hoặc có khi táo bón. Ngoài ra, viêm ruột thừa cũng có triệu chứng trước tiên là đau thượng vị kèm sốt nhẹ trước khi di chuyển xuống hố chậu phải. Đây cũng là một chẩn đoán rất hay bị bỏ sót.
Bên cạnh đó, các tạng phía trên ổ bụng cũng gây đau thượng vị như tim, phổi, màng phổi, trung thất, động mạch chủ và cả cơ hoành, lớp cơ ngăn cách giữa lồng ngực và ổ bụng. Những bệnh nhân suy tim nặng, làm gan sưng to, ứ huyết cũng khiến đau căng tức vùng thượng vị. Những bệnh nhân nhồi máu cơ tim vùng hoành sẽ biểu hiện là đau bụng trên kèm khó thở, có khi ngất xỉu thay vì thông thường là vùng ngực trái. Nếu người bệnh bị viêm phổi thùy dưới, áp-xe phổi, viêm màng phổi vùng hoành, viêm hay áp-xe trung thất, cơ hoành cũng sẽ biểu hiện bằng đau thượng vị...
Tuy nhiên, với những cơn đau do các tạng khác rất dễ bị bỏ sót, dễ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng nếu bệnh nhân có triệu chứng ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn ói đi kèm vì nhầm lẫn với đau do bệnh lý tiêu hóa. Thậm chí, khi bị tổn thương tại các tạng lân cận, phản ứng viêm nhiễm, đường dẫn truyền thần kinh kích thích đau cũng khiến cho bệnh nhân biểu hiện triệu chứng tiêu hóa tương tự.
3. Làm gì khi bị đau thượng vị?
Chính vì nguyên nhân gây đau vùng thượng vị rất đa dạng mà ngay cả bác sĩ cũng phải hỏi bệnh, thăm khám, kết hợp nhiều yếu tố, cần đến cận lâm sàng mới chẩn đoán đúng bệnh thì không nên chủ quan được. Bởi lẽ, có những bệnh lý có thể lành tính, lặp đi lặp lại thường xuyên nhưng cũng có những bệnh lý cấp tính cần can thiệp, nếu để muộn sẽ có nguy cơ đe dọa tính mạng.
Theo đó, người bệnh nên đến để được bác sĩ thăm khám, nhất là các trường hợp cơn đau mới xuất hiện lần đầu hoặc mức độ đau dữ dội hoặc kèm theo nóng sốt, khó thở, ngất xỉu. Nếu chẩn đoán vẫn đang nghi ngờ hay cần xác chẩn những bệnh lý nguy hiểm, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm, hình ảnh học phù hợp, từ đó giúp xác định nguyên nhân và định hướng điều trị.
4. Các cách phòng chống đau thượng vị?
Dù đau vùng thượng vị có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nguyên tắc điều trị chung nhất vẫn là phải tuân thủ theo chỉ định và điều trị của bác sĩ. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cần phải xây dựng chế độ dinh dưỡng điều độ, đúng cữ, ăn chín uống sôi, hạn chế thức ăn cay nóng cũng như bỏ hút thuốc lá, hạn chế rượu bia. Những việc này nếu được tuân thủ tốt sẽ phát huy tính hiệu quả rất cao đối với những nguyên nhân đau thượng vị là nhóm bệnh lý tiêu hóa.
Mặt khác, một chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên tập thể dục và tạo cho mình một lối sống lạc quan, giảm lo âu, giảm căng thẳng không chỉ giúp thuyên giảm triệu chứng đau thượng vị và còn tốt cho sức khỏe tim mạch, sức khỏe tổng quát nói chung.
EmoticonEmoticon